Giáo dục dân tộc thiểu số, miền núi ở Việt Nam qua hơn 35 năm đổi mới

TS. NGUYỄN THỊ LUYỆN
Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ
17:56, ngày 21-06-2022

TCCS - Phát triển giáo dục và đào tạo được Đảng ta xác định là quốc sách hàng đầu, đồng thời là cơ sở quan trọng để thực hiện chính sách “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc”. Trong hơn 35 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng để bảo đảm quyền bình đẳng trong học tập đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi. Bên cạnh những chuyển tích cực, công tác giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi vẫn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần sớm khắc phục để nâng cao chất lượng.

Kết quả từ sự đầu tư có trọng điểm cho giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở vùng miền núi, ngày 27-11-1989, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22/NQ-TW, “Về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi”; theo đó, ngày 13-3-1990, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 72-HĐBT “Về một số chủ trương, chính sách cụ thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi”. Đặc biệt, Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã nhấn mạnh, cần “ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách…”. Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, ngày 2-10-2015, của Chính phủ, “Về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021” xác định “trẻ em học mẫu giáo và học sinh là người dân tộc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được giảm học phí 70%”. Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, ngày 18-7-2016, của Chính phủ, “Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông xã, thôn đặc biệt khó khăn” và Nghị định số 57/2017/NĐ-CP, ngày 9-5-2017, của Chính phủ, “Quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên, các dân tộc thiểu số rất ít người” đã quy định cụ thể mức hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở từng cấp học… Đặc biệt, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 khẳng định cần “đẩy mạnh giáo dục kỹ năng, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ số trong giáo dục - đào tạo… Tiến tới phổ cập trung học phổ thông gắn với phân luồng trong giáo dục. Giảm tỷ lệ mù chữ, bỏ học ở miền núi” (1).

Về cơ sở vật chất nhà trường và học sinh, sinh viên: Sau 15 năm đổi mới, đến năm 2000, giáo dục dân tộc thiểu số, miền núi bước đầu có sự đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất trường học, các tỉnh và nhiều huyện miền núi đã xây dựng các trường nội trú và bán trú cho con em các dân tộc ít người. Đến giai đoạn 2001 - 2010, hầu hết các tỉnh và huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã có trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú; các cơ sở đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học được thành lập ở hầu hết các vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên. Năm học 2019 - 2020, toàn quốc có 320 trường phổ thông dân tộc nội trú ở 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng số 105.818 học sinh và 1.134 trường phổ thông dân tộc bán trú ở 29 tỉnh, thành phố với quy mô 250.795 học sinh (2). Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt quan tâm đến tạo nguồn sinh viên dân tộc thiểu số ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong các trường dự bị đại học; đến năm 2019, cả nước có 4 trường đào tạo hệ dự bị đại học, bao gồm Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Đại học Tây Nguyên, Đại học Cần Thơ và Đại học Trà Vinh với quy mô hơn 5.000 học sinh dự bị/năm (3).

Về đội ngũ giáo viên: Chính phủ đặc biệt ưu tiên đào tạo giáo viên người dân tộc và giáo viên biết tiếng dân tộc cho các cơ sở giáo dục ở vùng có nhiều người thuộc các dân tộc thiểu số và đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, như phụ cấp tăng thu nhập, tạo thuận lợi về điều kiện sống và làm việc cho giáo viên từ các địa phương trong cả nước nhận nhiệm vụ giảng dạy tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi yên tâm công tác. Các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên được quan tâm, thường xuyên được tổ chức… Qua đó, đội ngũ giáo viên giảng dạy ở khu vực này gia tăng cả về lượng lẫn chất. Năm học 2019 - 2020, tỷ lệ giáo viên dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm tỷ lệ 98,07% (4).

Về chương trình giáo dục: Học sinh dân tộc thiểu số học theo chương trình giáo dục thống nhất trong cả nước. Tuy nhiên, do đặc thù học sinh khu vực này và các trường chuyên biệt có thêm chương trình giáo dục chuyển tiếp, đa giai đoạn, nên nhà trường đã “thiết kế các chương trình giáo dục chuyển tiếp, đa giai đoạn và áp dụng các quy trình đào tạo mềm dẻo nhằm tăng cơ hội học đại học cho những người ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa” (5). Ngoài việc dạy văn hóa, các trường còn tổ chức nhiều hoạt động nội trú, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp, dạy nghề... nhằm phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực cho học sinh dân tộc thiểu số, miền núi. Ngoài ra, các địa phương đã chủ động vận dụng sáng tạo giáo dục văn hóa dân tộc và tri thức địa phương cho học sinh như sưu tầm, biên soạn tài liệu giáo dục văn hóa dân tộc và tri thức địa phương đưa vào giảng dạy trong trường học. Kể từ năm 2011, 6 tiếng dân tộc (Mông, Ê-đê, Gia-rai, Ba-na, Chăm, Khmer) đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức triển khai dạy cho học sinh người dân tộc thiểu số; đến năm học 2019 - 2020, đã có 174.562 học sinh trong 5.267 lớp tại 756 trường thuộc 22 tỉnh, thành phố được học thêm tiếng dân tộc của mình ngoài các môn học văn hoá (6).

Thầy giáo Tưih (người Ba-na) tâm huyết truyền thụ kiến thức cho học sinh dân tộc thiểu số ở huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai_Ảnh: TTXVN

Kết quả học tập của học sinh dân tộc thiểu số đã có sự chuyển biến tích cực, cụ thể:

- Giai đoạn 1989 - 1999, tỷ lệ người dân tộc thiểu số đi học đúng tuổi ở mức thấp. Với giải pháp chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, kết quả hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và tỷ lệ người biết chữ ngày càng được cải thiện. Đến giai đoạn 2011 - 2019, môi trường học tập ở trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú có nhiều khởi sắc, hoạt động giáo dục của nhà trường đã thu hút, giúp học sinh dân tộc thiểu số đi học chuyên cần và tiếp cận nhanh hơn với tiếng Việt. Năm 2011, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 92,15% thì đến năm 2019 đã tăng lên 98,13%; tương ứng, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được công nhận hoàn thành chương trình cấp tiểu học tăng từ 83,41% lên 96,66% (7).

- Chất lượng giáo dục phổ thông không ngừng được cải thiện. Giai đoạn 2012 - 2019, tỷ lệ học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú xếp loại hạnh kiểm tốt, khá hằng năm đạt trên 95%. Tính trung bình, học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú có tỷ lệ học lực giỏi, khá là trên 60%, học lực trung bình trên 30%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và tốt nghiệp trung học phổ thông của các trường phổ thông dân tộc nội trú tương ứng đạt 97% và 90%. Song song với đó, công tác chăm lo phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số chất lượng cao được chú trọng, số lượng học sinh là người dân tộc thiểu số đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia chiếm tỷ lệ cao. Năm 2018, Ủy ban Dân tộc đã tuyên dương 166 em; trong đó có 17 em đạt giải trong cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia; 94 em là học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; 42 sinh viên dân tộc thiểu số tốt nghiệp các trường học viện, đại học, cao đẳng loại xuất sắc (8).

- Về bậc học cao đẳng, đại học, thí sinh là người dân tộc thiểu số trúng tuyển nhập học tăng dần qua các năm. Năm 2018, có 1.497/8.259 sinh viên dân tộc thiểu số vào học cao đẳng, chiếm tỷ lệ 18,13% và 19.166/372.451 sinh viên dân tộc thiểu số vào học đại học, chiếm tỷ lệ 5,15%, đến năm 2019, sinh viên dân tộc thiểu số vào cao đẳng, đại học lần lượt là 1.713/9.065 sinh viên, chiếm 18,9% và 20.588/398.297 sinh viên, chiếm 5,16%. Về kết quả học tập của sinh viên dự bị đại học, “đa số các sinh viên này học tập tốt, có thể đáp ứng các điều kiện của nhà trường như các thí sinh khác trúng tuyển vào trường. Sinh viên tốt nghiệp ra trường đa số có việc làm, nhiều em đã trở thành cán bộ giỏi tại các địa phương” (9).

Những khó khăn, bất cập

Thứ nhất, mạng lưới trường, lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển về quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở một số trường chuyên biệt vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đa số các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện (phần nhiều thuộc khu vực Tây Nguyên) được đầu tư xây dựng từ lâu, nên hầu hết các hạng mục công trình đã xuống cấp trầm trọng; nhiều hạng mục phục vụ cho hoạt động giáo dục và nuôi dưỡng học sinh chưa được đầu tư, như: phòng học bộ môn, thư viện, nhà tập đa năng, phòng y tế, công trình vệ sinh, nước sạch… Hơn nữa, một số địa phương chỉ chú trọng quy hoạch về số lượng mà chưa chú ý các điều kiện bảo đảm chất lượng; đa phần cơ sở vật chất ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú chưa được chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp. Tỷ lệ phòng bán kiên cố còn chiếm quá nửa tổng số phòng học, còn nhiều điểm trường nhỏ lẻ, phân tán (10).

Thứ hai, do điều kiện sống khó khăn, nhận thức giản đơn, một số phụ huynh học sinh dân tộc thiểu số, miền núi chưa quan tâm nhiều đến việc học tập và phát triển của con mình; không ít cha, mẹ học sinh không muốn cho con tiếp tục tới trường để dành thời gian phụ giúp công việc hằng ngày. Vấn đề trường lớp xa nhà, đi lại khó khăn cũng là một trong những rào cản đối với việc học tập của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Thứ ba, chiến lược phát triển giáo dục dân tộc thiểu số giai đoạn 2011 - 2020 đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên vùng dân tộc thiểu số, với nhiều chế độ và chính sách ưu đãi đối với giáo viên được triển khai thực hiện, song hệ thống chính sách đó chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của địa phương, đặc biệt ở một số trường chuyên biệt vùng dân tộc thiểu số, miền núi; chế độ, chính sách khuyến khích giáo viên vùng khó khăn chưa được thực hiện triệt để. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến đội ngũ giáo viên ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng ở các cấp học.

Thứ tư, với xuất phát điểm thấp, các em học sinh dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn về tiếng nói, chữ viết và chương trình học tập. Học sinh sử dụng ngôn ngữ nói là tiếng dân tộc trong sinh hoạt gia đình và cộng đồng, nhưng viết và sử dụng tiếng Việt là ngôn ngữ chính tại trường. Ngoài ra, do đặc thù, các dân tộc thiểu số khác nhau không có tiếng nói và bộ chữ viết thống nhất, nên rất khó xây dựng chương trình và sách giáo khoa tiếng dân tộc. Đa số dân tộc thiểu số có tiếng nói và 2 bộ chữ viết trở lên hoặc không có chữ viết; chỉ có số ít dân tộc thiểu số có tiếng nói và một bộ chữ viết thống nhất.

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc thiểu số, miền núi

Lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại Trường Trung học phổ thông Võ Chí Công, ở huyện vùng cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam_Ảnh: TTXVN

Để đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thực hiện chính sách “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc”, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp:

Một là, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện dạy, học cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, điều kiện dạy, học đáp ứng quy mô giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi ngày càng phát triển và yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất các trường điểm lẻ để tăng quy mô huy động trẻ đến lớp; ưu tiên hoàn thiện mạng lưới các trường phổ thông, bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi học của học sinh trong độ tuổi; đầu tư phát triển hệ thống các trường dự bị đại học dân tộc để nâng cao chất lượng đào tạo. Việc đầu tư từng hạng mục cơ sở vật chất, trường, lớp cần đáp ứng môi trường cảnh quan, hiệu quả giáo dục và sử dụng nguồn lực tài chính. Trong đầu tư kiên cố hóa trường, lớp, cần ưu tiên những hạng mục phù hợp cảnh quan thiên nhiên nơi vùng cao và miền núi nhằm khai thác lợi thế không gian mở trong tổ chức hoạt động giáo dục. 

Hai là, chú trọng giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường, đặc biệt cần tránh lãng phí trong đầu tư ngân sách cho giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Các bộ, ngành và địa phương cần chủ động, tích cực huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí hỗ trợ trong và ngoài nước; tiếp tục rà soát các chính sách đối với người dạy, người học và các cơ sở giáo dục vùng dân tộc miền núi, thiểu số để đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung, ban hành mới chính sách phát triển giáo dục, đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi phù hợp với điều kiện, tình hình mới.

Ba là, thiết kế chương trình giáo dục sát hợp với thực tiễn cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Cần thiết kế chương trình linh hoạt và chuyên biệt trong giảng dạy phù hợp với mức độ nhận thức của học sinh dân tộc thiểu số. Đối với những năm đầu bậc tiểu học, cần xác định phương pháp và thời lượng giảng dạy phù hợp để học sinh biết đọc và viết tiếng Việt, đồng thời thích ứng với trường lớp, tạo tiền đề cho những năm học tiếp theo. Đối với các bậc học khác, phương pháp giáo dục phân hóa, phụ đạo học sinh cần được các cơ sở giáo dục và giáo viên chú trọng, tăng cường. Nhà trường lập kế hoạch, giáo viên xây dựng chương trình giảng dạy, phụ đạo để học sinh dân tộc thiểu số nắm được kiến thức, theo kịp chương trình, đáp ứng yêu cầu giáo dục.

Bốn là, phát triển đội ngũ giáo viên vừa hồng, vừa chuyên. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác, trao đổi giữa các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước đối với các cơ sở giáo dục dân tộc thiểu số. Qua các chương trình trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ, giao lưu văn hóa…, giáo viên cơ sở giáo dục dân tộc thiểu số có cơ hội nâng cao chuyên môn, lòng yêu nghề, chú trọng gìn giữ bản sắc dân tộc địa phương nơi giảng dạy. Thầy cô tâm huyết với nghề, gắn bó với học sinh, có kiến thức và am hiểu văn hóa địa phương sẽ quyết định hiệu quả giáo dục vùng dân tộc thiểu số./.

-------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 2, tr.129
(2) Vụ Giáo dục Dân tộc: “Chú trọng công tác hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dân tộc thiểu số”, Trang thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo, https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-dan- toc/Pages/Default.aspx?ItemID=6880, ngày 28-6-2021
(3), (9) Vụ Giáo dục Dân tộc: “Thực hiện chính sách xã hội thúc đẩy phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi”, Trang thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo, https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-dan-toc/Pages/Default.aspx?ItemID=6295, ngày 9-10-2019
(4), (6), (7) Vụ Giáo dục Dân tộc: “Giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam”, Trang thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo, https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-dan-toc/Pages/Default.aspx?ItemID=6695, ngày 1-6-2020
(5) Nghị định số 82/2010/NĐ-TTg, ngày 15-7-2010, của Chính phủ, “Quy định về dạy và học tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số”
(8) Thanh Thủy: “Giáo dục vùng dân tộc thiểu số chuyển mình”, Tạp chí Cộng sản điện tử, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Van-hoa-xa-hoi/2019/54443/Giao-duc-vung-dan-toc-thieu-so-chuyen-minh.aspx, ngày 19-3-2019
(10)  Vụ Giáo dục Dân tộc: “Một số định hướng phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số miền núi”, Trang thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo, https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-dan-toc/Pages/Default.aspx?ItemID=6253, ngày 17-9-2019